Hiện nay, bà con nuôi tôm đang phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh khác nhau như bệnh phân trắng (Hội chứng phân trắng (White Feces Syndrome), bệnh gan tụy, bệnh đốm đen, bệnh đốm trắng, …. Một phần không nhỏ các bệnh trên có nguyên nhân từ những loại độc tố của tảo độc và vi khuẩn.
Trong số những loại độc tố gây bệnh, nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins) cũng rất nguy hiểm và góp phần không nhỏ trong việc gây ra các bệnh lý trên tôm. Tuy nhiên nguy cơ nhiễm độc tố nấm mốc thường bị ngành nuôi tôm bỏ qua.
1. Nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins) là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins – myco có nghĩa là nấm mốc) là các hợp chất độc hại được sản sinh tự nhiên bởi một số loại nấm mốc. Một loài nấm mốc có thể sản sinh nhiều mycotoxin khác nhau, và một số loài có thể sản sinh cùng 1 loại mycotoxin.
Về cơ bản, Mycotoxins được tạo thành từ nấm mốc, mà nấm mốc thì rất phổ biến ở các quốc gia có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam và các nước Châu Á nói chung. Chúng được tìm thấy ở khắp mọi nơi và ở mọi thời điểm trong năm.
Hình ảnh nấm mốc (nguồn: internet)
Nấm mốc thường mọc trong môi trường tối và ẩm ướt. Do khả năng phát triển dễ dàng trong nhiều điều kiện môi trường nên các loại nấm này có thể tấn công nhiều loại thực phẩm và gây ra những mức độ hư hỏng và phân hủy thực phẩm khác nhau.
Trong lĩnh vực thủy sản, nấm mốc rất dễ xuất hiện ở trong các loại thức ăn cho tôm. Nguyên do làm cho thức ăn tôm bị mốc chủ yếu ở cách bảo quản thức ăn tôm chưa đúng cách, hoặc thức ăn tôm có thành phần không đạt chất lượng tốt nhất.
Thức ăn tôm bình thường (bên trái) và thức ăn tôm bị nhiễm nhóm độc tố nấm mốc Mycotoxins (nguồn: internet)
Sau khi các loại nấm mốc hình thành, chúng sẽ bắt đầu trao đổi các chất thứ cấp, từ đó tạo ra Mycotoxins. Một số loại độc tố trong nhóm độc tố nấm mốc có tác động mạnh mẽ lên tôm có thể kể đến như: Aflatoxin B1 (AFB – đây là độc tố nguy hiểm bậc nhất đối với tôm), Deoxynyvalenol (DON – hay còn gọi là Vomitoxin), Fumonisins (FUM), Tricothecenes (T2-toxin), Zearalenone (ZOM).
Tôm khá nhạy cảm với Mycotoxins và tỷ lệ thức ăn bị nhiễm độc tố là cao, đặc biệt là ở vùng khí hậu ấm áp và ẩm ướt. Nghiên cứu cho thấy ở Châu Á, 95% mẫu thức ăn nuôi trồng thủy sản dương tính với độc tố nấm mốc và 80% bị nhiễm nhiều hơn một loại độc tố nấm mốc.
Với việc giá tôm xuống quá thấp, kéo theo xu hướng nuôi tôm cắt giảm chi phí, việc sử dụng các loại thức ăn khác kết hợp với thức ăn nuôi tôm đã dần trở nên phổ biến. Cũng chính vì cách cho ăn như thế, dẫn đến nguy cơ tôm bị nhiễm Mycotoxins ngày càng cao.
2. Các nghiên cứu về độc tố Aflatoxin B1 (AFB), độc tố nguy hiểm bậc nhất trong nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins)
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins) trên thủy sản, nhưng thông tin về các nghiên cứu này cũng còn rất hạn chế. Tuy nhiên, các nghiên cứu này đều tập trung vào độc tố nguy hiểm bậc nhất trong nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins), đó chính là Aflatoxin B1 (AFB).
Aflatoxins – Độc tố nguy hiểm bậc nhất trong nhóm Mycotocins (nguồn: internet)
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, khi cho tôm ăn thức ăn có chứa độc tố Aflatoxin B1 (AFB), quan sát thấy tôm có hiệu chậm lớn, ảnh hưởng xấu đến hệ số chuyển đổi thức ăn, hiệu suất tăng trưởng của tôm và hệ số tiêu hóa (ACDs). Đồng thời Aflatoxin B1 (AFB) còn làm cho tôm bị rối loạn sinh lý, đặc biệt là sự rối loạn trên các mô của tôm (tiêu biểu là mô gan tụy – tổn thương gan tụy).
Vào năm 1995, Tiến sĩ Henry T. Ostrowski-Meissner cùng các cộng sự của ông đã có báo cáo về các ảnh hưởng của việc cho tôm ăn AFB, cụ thể như sau:
- AFB ở nồng độ 50ppb: chỉ sau 2 tuần, các mô tuyến gan tụy tôm bắt đầu có dấu hiệu bất thường.
- AFB ở nồng độ 400ppb: hệ số chuyển đổi thức ăn, đi kèm với tốc độ tăng trưởng của tôm bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
- AFB ở nồng độ 900ppb: Hệ số tiêu hóa (ADCs) bị sụt giảm đáng kể.
Không những thế, vào năm 2005, sau khi triển khai thí nghiệm về ảnh hưởng của AFB lên tôm, Hernadez và cộng sự đã có kết luận rằng độc tố AFB nói riêng và nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins) nói chung còn có khả năng làm biến đổi các enzyme tiêu hóa (như lipase và amylase), từ đó làm cho tôm bị bệnh đường ruột (nhiều khả năng cao dẫn đến bệnh phân trắng).
3. Tác động của các loại độc tố khác trong nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins)
Có rất ít thông tin về ảnh hưởng của các loại độc tố khác trong nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins) lên tôm. Chỉ có một vài báo cáo về tác động của một số độc tố trong nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins) như là: Deoxynyvalenol (DON) hay còn gọi là Vomitoxin, Fumonisins (FUM), Tricothecenes (T2-toxin) và Zearalenone (ZOM).
- Deoxynyvalenol (DON): hay còn gọi là Vomitoxin. Với nồng độ chưa đến 0,2 ppm cũng có thể làm tôm chậm lớn.
- Fumonisins (FUM): chỉ cần tiếp nhận nồng độ từ 0,5 ppm là tôm bắt đầu có dấu hiệu bị hoại tử gan tụy.
- Tricothecenes (T2-toxin): nồng độ ở mức 0,2 ppm là có thể bắt đầu gây ra các tổn thương ở gan tụy, đồng thời làm thay đổi hệ thống miễn dịch của tôm.
- Zearalenone (ZOM): chỉ cần nồng độ ở mức 1 ppm tạo ra cùng loại tổn thương tương tự như độc tố T2-toxin.
4. Tác hại khủng khiếp của nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins)
4.1. Gây tổn thương tế bào gan tôm
Khi tôm bị nhiễm nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins), độc tố nguy hiểm nhất là Aflatoxin B1 (AFB) sẽ tấn công vào gan đầu tiên. Tất cả các trường hợp tôm bị nhiễm Aflatoxin B1 (AFB) đều cho ra kết quả rằng gan bị hư hại rất nặng.
Gan tôm bị tổn thương nặng nề do nhóm độc tố nấm mốc Mycotoxins tấn công (nguồn: internet)
Biểu hiện chung của nhóm bệnh lý này là gan sẽ chuyển thành màu vàng tươi, mật sưng lên, sau đó gan cũng sưng phồng lên, đồng thời bắt đầu xuất hiện những đốt hoại tử màu trắng. Cuối cùng, vì gan quá yếu nên các chủng vi khuẩn có hại (như nhóm Vibrio cơ hội) sẽ tấn công vào gan và làm cho gan trở nên bị bở cũng như là dễ bị bể gan.
4.2. Gây tổn thương hệ tiêu hóa tôm
Mycotoxins sẽ tấn công vào đường ruột, làm cho tế bào niêm mạc bị chết đi, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của tôm. Không những thế, Mycotoxins còn biến đổi các enzyme tiêu hóa (như lipase và amylase), làm cho đường ruột tôm yếu đi nhiều, tạo điều kiện cho các loài vi khuẩn Vibrio cơ hội tấn công.
4.3. Làm giảm sức đề kháng của tôm
Mycotoxins tác động mạnh đến hệ miễn dịch và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của tôm. Chúng ức chế sự tổng hợp của những protein cần thiết và rất quan trọng liên quan đến chức năng của hệ miễn dịch, từ đó làm suy giảm hệ thống miễn dịch một cách mạnh mẽ.
Đồng thời, Mycotoxins còn tấn công và làm giảm đi số lượng bạch cầu và hồng cầu của tôm. Như vậy toàn bộ hệ thống phòng chống bệnh của tôm đã bị tổn thương nghiêm trọng, tôm sẽ mất đi khả năng kháng bệnh nên sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
4.4. Làm giảm chất lượng thức ăn
Nấm mốc sẽ tạo ra các mùi vị đặc trưng của nó. Thức ăn tôm bị nhiễm nấm mốc sẽ mất đi hương vị thơm ngon vốn có, từ đó sẽ làm xuất hiện những loại mùi khó chịu trong khu vực nuôi tôm (trong chòi tôm và dưới ao nuôi).
Chất lượng thức ăn tôm bị suy giảm nghiêm trọng do bị nhiễm mốc (nguồn: internet)
Ngoài ra, khi các loài nấm mốc thực hiện quá trình lên men phân giải của chúng, hoạt động này sẽ bẻ gãy các liên kết và làm hư hại các loại vitamin có trong thức ăn, làm cho thức ăn không còn đảm bảo được chất lượng tốt nữa.
5. Phòng chống nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins)
Mycotoxins được sinh ra bởi nấm mốc, mà nấm mốc thì rất dễ nhìn thấy bằng mắt thường, cho nên việc đầu tiên cần làm là loại bỏ những loại thức ăn hoặc vật dụng bị nhiễm nấm mốc. Để tránh cho chúng lây nhiễm, những loại thức ăn hoặc vật dụng bị nhiễm nấm mốc cần được tiêu hủy triệt để và tránh lặp lại ở khu vực nuôi.
Lựa chọn nguồn thức ăn tôm hoặc các loại thức ăn phối trộn khác ở những cơ sở uy tín. Đồng thời, phải vệ sinh khu vực nuôi cũng như khu vực chứa thức ăn thật cẩn thận. Ở khu vực kho bãi lưu trữ thức ăn, nên sử dụng những loại vật liệu chắc chắn, lắp đặt các thiết bị hút ẩm và bật quạt liên tục 24/7 để ngăn ngừa nấm mốc xuất hiện.
Trước khi cho tôm ăn, cần xem thật kỹ bao thức ăn và các dụng cụ cho ăn xem có bị nấm mốc không. Nếu phát hiện nấm mốc, dù chỉ là một chấm nhỏ nhất, thì cũng nên tiêu hủy ngay. Đừng vì tiếc một chút thức ăn mà để nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins) có cơ hội xâm nhập xuống ao nuôi.
Nguồn: bài viết được Thientue Pharma JSC – BỘ PHẬN THỦY SẢN tổng hợp từ nhiều nguồn và biên tập lại
Thông tin chi tiết hoặc nhận báo giá, quý khách vui lòng liên hệ:
Hotline/Zalo: 08888 3 15 17
Email: thientue.net.vn@gmail.com
Dược phẩm Thiên Tuế - Hợp tác chân thành -
