Chiết xuất lá ổi | Cao lá ổi (Guava Leaf Extract Powder) là một trong những loại dược liệu rất dễ làm. Ổi và lá ổi là những loại trái cây cực kì phổ biến ở Việt Nam. Ai cũng biết trong trái ổi có rất nhiều vitamin C, nhưng có lẽ ít người biết, trong lá ổi cũng có rất nhiều thành phần dược liệu quý giá.
1. Chiết xuất lá ổi | Cao lá ổi (Guava Leaf Extract Powder) là gì?
Chiết xuất lá ổi | Cao lá ổi (Guava Leaf Extract Powder) còn được gọi là chiết xuất lá ổi chuẩn hóa, là dòng nguyên liệu được sản xuất từ lá ổi, được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng, nguyên liệu cho thực phẩm bổ sung, nguyên liệu làm mỹ phẩm, đồ uống. Đặc biệt hơn, cao lá ổi còn được ứng dụng trong việc làm các nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thủy sản và mang lại năng suất chăn nuôi thủy sản rất cao.
Cao lá ổi có dạng bột, có thể dễ dàng đưa vào các loại viên nén, viên nang, uống dạng lỏng hoặc phối trộn trực tiếp vào thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá ổi thường được sử dụng để điều trị các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, bệnh đường hô hấp, tăng tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết, giảm cân, tiểu đường, giảm ho, …
Một số nghiên cứu mới đây còn khẳng định lá ổi có hoạt tính chống khối u, chống lại các tế bào ung thư ở người.
2. Thành phần của Cao lá ổi
Các lợi ích của lá ổi được cho là đến từ các thành phần có hoạt tính sinh học cao có trong lá ổi, bao gồm các nhóm chất Flavonoid, Polyphenol, Polysaccharide, …
Cao lá ổi còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và khoáng chất. Trong cao lá ổi có chứa chất béo, protein, carbohydrate, vitamin C và hợp chất thực vật có hoạt tính sinh học như axit gallic, axit fulvic, quercerin, … Tùy vào mục đích của nhà sản xuất mà có nhiều phân đoạn chiết xuất lá ổi khác nhau. Mỗi phân đoạn sẽ đặc trưng cho mọt nhóm hoạt chất chính.
3. Tác dụng của Cao lá ổi
3.1. Tác dụng điều trị bệnh tiểu đường type 2
Theo Joseph và Priya (2011) nhìn chung trong dịch chiết từ lá ổi có chứa các hợp chất tanin, các polyphenol, flavonoid, saponin, các steroid, và các terpenoid, triterpenoid pentacyclic, guiajaverin, quercetin, và các hợp chất hóa học khác có khả năng hạ đường huyết và hạ huyết áp.
Một số các hợp chất trên có khả năng làm giảm chỉ số đường huyết thông qua tác động ức chế enzym alpha-glucosidase. Đây là cơ chế đóng vai trò quan trọng trong tác dụng chữa trị bệnh của dịch chiết từ ổi.Trước khi carbohydrate được hấp thụ từ thức ăn, chúng phải được phân cắt thành các phân tử nhỏ hơn như glucose bởi các enzyme trong ruột non.
Một trong các enzym tham gia vào quá trình phân cắt carbohydrate là alpha-glucosidase.Vì vậy, alpha-glucosidase là một enzym làm làm tăng sự hấp thụ carbohydrate từ ruột, dẫn đến lượng glucose trong máu tăng đặc biệt là ngay sau các bữa ăn.
Do dịch chiết từ lá ổi có khả năng ức chế enzym này, nên carbohydrate từ thức ăn không được thủy phân và do đó khả năng hấp thụ carbohydrate bị hạn chế (Yoriko Deguchi and Kouji Miyazaki, 2010)
Theo Deguchi và Miyazaki (2010) các hợp chất được chiết xuất từ lá ổi được dùng để điều trị bệnh đái tháo đường ở Đông Á và các nước khác. Tại Nhật Bản, trà lá ổi (Bansoureicha, Yakult Honsha, Tokyo, Nhật Bản) đã được chứng nhận là một trong những thực phẩm chức năng và được phép thương mại hoá.
Mặt khác, chỉ số đường trong máu dưới tác dụng của dịch chiết từ ổi đã được nghiên cứu trên một số động vật. Nghiên cứu của các tác giả cho phép khẳng định rằng các thành phần có hoạt tính trong dịch chiết từ lá ổi có khả năng ức chế enzym α-glucosidase in vitro và do vậy có khả năng giảm đường huyết đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Đối với các mô hình thử nghiệm ở chuột và một số thử nghiệm lâm sàng, dịch chiết từ lá ổi có khả năng làm giảm hormone adiponectin (liên quan đến chuyển hoá đường và chất béo) do đó làm giảm cholesterol trong máu.
Các thử nghiệm đối với sự ức chế enzym α-glucosidase trên chuột cũng đã được thực hiện. Kết quả cho thấy rõ khả năng làm giảm lượng đường huyết sau khi cho chuột dùng trà lá ổi. Để xác định hiệu quả của dịch chất chiết xuất từ lá ổi trên chỉ số đường huyết, những con chuột bình thường sau khi nhịn ăn qua đêm được tiêm một liều dịch chiết từ lá ổi.
Ba mươi phút sau, tinh bột hòa tan, đường sucrose hoặc maltose (2g/kg) đã được nạp vào người chúng và lượng đường trong máu được đo ở khoảng thời gian từ 0 đến 120 phút sau khi nạp đường.
Quá trình kiểm tra sau khi nạp tinh bột hòa tan ở liều 250 mg / kg cho thấy lượng đường glucose trong máu giảm đáng kể chỉ ở mức bằng 37,8% so với đối chứng tức những con chuột không sử dụng dịch chiết từ ổi, và chỉ số đường huyết chỉ bằng 31,0% và 29,6% so với so với đối chứng, sau khi nạp saccharose và maltose với liều 500 mg/kg. Điều này chúng tỏ chất chiết xuất từ là ổi có hiệu quả trong việc làm giảm đường huyết (Joseph Baby, 2011).
3.2. Tác dụng kháng khuẩn
Joseph và Priya (2011) đã khảo sát tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm bằng cách sử dụng kỹ thuật khuếch tán thạch đối với Staphylococcus aureus (vi khuẩn gram dương), và hai vi khuẩn gram âm là Escherichia coli và Pseudomonas aeruginosa, cùng với nấm Candida albicans.
Theo các tác giả này, tinh dầu ổi có khả năng tác động vào màng tế bào vi sinh vật, làm cho màng tế bào thấm nhiều hơn hoạt chất kháng khuẩn. Một số công trình nghiên cứu khác cũng cho thấy tinh dầu ổi có tính đề kháng mạnh mẽ chống lại Yarrowia lipolytica (nấm men gây bệnh), ngoài ra chúng còn có khả năng chống lại Staphylococcus aureus, Salmonella và Escherichia coli được phân lập từ tôm.
Gần đây, tinh dầu ổi được chứnh minh có tác dụng ức chế, chống lại vi khuẩn Bacillus cereus, Enterobactor aerogenes và Pseudomonas fluorescens. Lá ổi có khả năng chống lại các vi sinh vật kể trên là do chứa nhiều flavonoid, đặc biệt là quercetin. Phần lớn hoạt tính sinh học của lá ổi là do quercetin có hoạt tính kháng khuẩn cao (Yoriko Deguchi và Kouji Miyazaki, 2010)
Adeyemi và ctv (2009), đã nhận thấy trong dịch chiết từ lá ổi có chứa các flavonoid, tanin, saponin, các steroid, và terpenoid. Các tác giả này đã tiến hành thử nghiệm trên chuột và kết quả cho thấy ký sinh trùng trong máu của chúng giảm đi khi sử dụng chất chiết xuất từ lá ổi.
Nghiên cứu này cũng đã chứng minh khả năng làm tăng tuổi thọ của tất cả các con chuột bị nhiễm bệnh khi được điều trị với dịch chiết từ lá ổi. Thời gian sống của chuột được kéo dài hơn từ 30 ngày đến 32 ngày so với chuột sau khi bị nhiễm ký sinh trùng mà không dùng dịch chiết từ lá ổi, chúng bị chết chỉ sau 8 ngày.
3.3. Tác dụng chống oxy hóa
Khả năng chống oxy hóa của các hợp chất phenol trong lá ổi non cao gấp 1,88 và 8,72 lần so với các chất chống oxy hóa tổng hợp butylated hydroxy toluene (BHT) và 1,75 lần cao hơn so với vitamin E (Witayapan và ctv, 2010).
Theo Qian và Nihorimbere (2004) các chất chiết xuất từ lá ổi có tính chất chống oxy hóa bằng cách trung hòa các gốc tự do. Hầu hết hoạt tính này đều có liên quan đến các polyphenol và flavonoid, tuy nhiên các chất chiết xuất từ lá ổi cũng chứa một số chất chống oxy hóa khác như acid ascorbic và carotenoids.
Các nhà khoa học Thái Lan đã khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chống oxy hóa của các hợp chất phenol chiết xuất từ lá ổi. Các tác giả này đã chỉ ra rằng quá trình tiền xử lý mẫu lá trước khi chiết xuất, phương pháp chiết xuất, và độ tuổi của lá ổi ảnh hưởng đến hàm lượng các hợp chất phenol và khả năng chống oxy hóa của chúng (Witayapan và Songwut Yotsawimonwat, 2010).
Các hợp chất chống oxy hóa của lá ổi trồng tại Thái Lan đã được Suganya Tachakittirungrod và ctv (2007) phân lập dựa trên phương pháp phân tích quang phổ và chiết xuất bằng methanol. Các hợp chất này đã được thử nghiệm hoạt tính chống oxy hóa in vitro. Kết quả cho thấy ba hợp chất flavonoid, quan trọng đối với hoạt tính chống oxy hóa của lá ổi là quercetin-3-O-glucopyranoside.
Kết quả này có thể được xem là cơ sở khoa học cho các phương pháp điều trị trong y học cổ truyền.
3.4. Tác dụng phòng ngừa ung thư
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal Pharmaceutical Biology của Anh, đã xác định tác dụng chống viêm, chống ô xy hóa và chống ung thư của cây ổi. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành xác định hoạt tính chống ô xy hóa của các chiết xuất methanol, hexane và chloroform trong cây ổi.
Họ đã thử nghiệm tác dụng chống lại khối u của các chất chiết xuất trong lá ổi lên bệnh bạch cầu, u tủy và các dòng tế bào ung thư. Chiết xuất methanol được tìm thấy có hoạt tính chống ô xy hóa mạnh nhất, tiếp đến là chiết xuất chloroform và hexane.
Chiết xuất hexane thể hiện tác dụng gây độc tế bào khối u mạnh nhất. Nó có tác dụng ức chế tốt nhất chống lại các tế bào ung thư bạch cầu dòng tủy mạn tính, theo Yournews. Các nhà nghiên cứu sử dụng xét nghiệm đo màu để đo tổng hàm lượng phenolic và flavonoid trong lá ổi.
Kết quả thử nghiệm cho thấy chiết xuất từ lá ổi cho hàm lượng đáng kể các chất phenolic và flavonoid. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng chiết xuất lá ổi có tác dụng chống ung thư và chống viêm.
Dịch chiết từ lá, hạt ổi đã được xem có tiềm năng ứng dụng trong các biện pháp ngăn ngừa sự phát triển của các khối u nhời có chứa các hợp chất polyphenol và isoflavonoid. Manosroi và ctv, (2005) cho rằng các hợp chất chiết xuất từ ổi có khả năng ngăn chặn các dòng tế bào ung thư khác nhau của con người bao gồm cả tuyến tiền liệt, ruột kết, ung thư biểu bì, cũng như bệnh bạch cầu và u ác tính từ trong cơ thể động vật khác.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng dịch chiết xuất từ lá ổi non (búp ổi) có khả năng điều trị ung thư tuyến tiền liệt (Kawakami và ctv, 2010).
Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh trong tinh dầu lá ổi chứa hợp chất polyphenol có tác dụng làm giảm thể tích khối u, tác động đến các dòng tế bào ung thư cổ tử cung của người như KB và P388, các dòng tế bào tế bào ung thư này được đặc trưng bởi những thay đổi nghiêm trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng (Joseph và Priya, 2011).
3.5. Tác dụng chống tiêu chảy
Joseph và Priya (2011) cho rằng dịch chiết xuất từ lá ổi chứa quercetin có thể ức chế phóng thích acetylcholine để điều trị bệnh tiêu chảy cấp tính. Tinh dầu chiết xuất từ lá ổi cũng đã được thử nghiệm và cho thấy có thể ức chế bệnh tiêu chảy gây ra do vi khuẩn Staphylococcus aureus, Salmonella spp. và Escherichia coli.
Vì vậy đa số các công trình nghiên cứu đều chỉ ra rằng dịch chiết xuất từ lá ổi có thể được sử dụng trong phương pháp điều trị các trường hợp tiêu chảy không tác dụng với thuốc kháng sinh (Suganya Tachakittirungrod và ctv, 2007).
Quercetin được cho là thành phần tác dụng chống tiêu chảy, nó có thể tăng cường hoạt động của cơ trơn đường ruột và ức chế nhu động ruột. Ngoài ra, các flavonoid và triterpene trong lá ổi cũng có tác dụng chống co thắt ruột (Beckstrom Sternberg và ctv, 1994).
3.6. Tác dụng hạ huyết áp
Theo Kawakami và ctv (2011) trà lá ổi có tác dụng làm hạ đường huyết và huyết áp do hàm lượng tannin trong lá ổi khá nhiều, đồng thời các flavonoid, triterpenoid pentacyclic, guiajaverin, quercetin, và các hợp chất khác cũng hiện diện trong lá ổi. Trong một thử nghiệm trên những con chuột cao huyết áp, dịch chiết xuất từ lá ổi có khả năng làm giảm huyết áp tâm thu và tâm trương.
3.7. Các tác dụng khác
Joseph và Priya (2011) đã xác định các thành phần hoá học có trong trái ổi, cành ổi, lá ổi và hạt ổi và giá trị dinh dưỡng khá cao. Đồng thời các tác giả này cũng đã nghiên cứu tác dụng dược lý của ổi và kết quả chỉ ra rằng quả ổi có khả năng ngăn ngừa những tác nhân gây đột biến
Ngoài ra ở Hà Lan, châu Mỹ La Tinh, Peru, Ấn Độ, Tây Phi và Đông Nam Á lá ổi được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị giun đường ruột, rối loạn dạ dày, nôn mửa, rối loạn kinh nguyệt, xuất huyết và phù nề. Lá ổi non còn dùng chữa chảy máu nướu răng bằng cách nhai. Người dân Ấn Độ dùng nước lá ổi làm nước súc miệng để chữa lở miệng, chảy máu nướu răng (Beckstrom Sternberg và ctv, 1994).
- Beckstrom Sternberg và ctv (1994) đã liệt kế một số công dụng trị bệnh của ổi như sau:
- Bệnh lỵ (vi khuẩn và a – míp ), đau bụng, tiêu chảy, viêm ruột ở trẻ con
- Kháng sinh chống lại vi khuẩn, nấm, candidal, và a-míp
- Cân bằng, điều hoà, bảo vệ và tăng cường tim (loạn nhịp tim và một số bệnh tim mạch)
- Giảm ho, giảm đau (thuốc), và giải nhiệt (giảm sốt) chữa cảm lạnh, cảm cúm, đau họng
- Khắc phục nhiễm trùng tai và mắt
- Thuốc điều trị giun
Gần đây trên thế giới lá ổi được chiết xuất để sử dụng trong một số các công thức pha chế thảo dược với những mục đích khác nhau như làm chất kháng sinh và chữa trị tiêu chảy, chữa trị các bệnh đường ruột cũng như mục đích giảm cân, chữa trị tim mạch.
Nguồn: Khoa Khoa học và Công nghệ thực phẩm – Đại Học Lạc Hồng
Thông tin chi tiết hoặc nhận báo giá, quý khách vui lòng liên hệ:
Hotline/Zalo: 08888 3 15 17
Email: thientue.net.vn@gmail.com
Dược phẩm Thiên Tuế - Hợp tác chân thành -
